Tìm việc làm Công nghệ thông tin, sinh viên phải nắm chắc 5 điều chính
Thời đại Công nghệ thông tin lên ngôi kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề liên quan. Nhiều năm trở lại đây, không phải bàn cãi thêm, Công nghệ thông tin chính là ngành học được nhiều bạn trẻ ưa chuộng bởi khi ra trường, họ sẽ không quá chật vật để có thể tìm việc làm Công nghệ thông tin phù hợp.
- Chuyên ngành khoa học máy tính – đất dụng võ của các bậc thầy toán học
- Việc làm công nghệ thông tin: đa dạng vị trí, cơ hội không thiếu
- Nhật Bản mở cửa đón thực tập IT, cơ hội cho người trẻ có năng lực
Ngành Công nghệ thông tin có dễ xin việc không?
Câu trả lời là vừa dễ, vừa không. Vì sao lại vậy?
Tìm việc làm Công nghệ thông tin (CNTT) dễ vì CNTT luôn phát triển từng ngày, từng giờ với tốc độ chóng mặt nên nhu cầu nhân lực ngành này là rất lớn. Hầu hết các tổ chức, các công ty, các doanh nghiệp đều cần đến người làm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Hơn nữa, phạm vi của ngành CNTT rất rộng nên sinh viên hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp với khả năng.
Ngành Công nghệ thông tin cũng khó xin việc, ấy là khi bạn không trang bị thêm cho mình kĩ năng mềm và ngoại ngữ. Đó cũng là quan điểm, lời khuyên của anh Vũ Chí Thành – Trưởng ban Tuyển sinh và Công tác sinh viên của ĐH FPT. Theo những cuộc trò chuyện của anh với các doanh nghiệp, các ứng viên mà họ lựa chọn bên cạnh kiến thức chuyên môn, cần phải giỏi thêm 2 tiêu chí trên. Vì trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập như hiện nay, 2 yếu tố này vô cùng quan trọng, giúp các cử nhân CNTT nắm bắt được những cơ hội việc làm toàn cầu, dễ dàng thích nghi và toả sáng hơn.
Chưa hết, công nghệ là một thứ liên tục thay đổi, vì vậy ngành công nghệ thông tin có dễ xin việc không cũng phụ thuộc vào khả năng tự học của bạn, đặc biệt phải đọc được tài liệu tiếng Anh vì mọi công nghệ mới đều được cập nhật bằng tiếng Anh.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin làm được những việc gì? Ở đâu?
- Các công ty, tập đoàn về CNTT hàng đầu của Việt Nam: FPT, Viettel, VNPT, Trung tâm công nghệ thông tin (EVN), Tổng công ty truyền thông đa phương tiện – VTC… hoặc các tập đoàn đa quốc gia như Google, Apple…
- Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp tích hợp: HPT Vietnam, SAVIS, iNET Solutions, Tinhvan Group, CMC, TMA Solutions, GCS, KMS, Logigear Vietnam, FSOFT, Sunrise Software Solutions…
- Các đơn vị cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng tại Việt Nam: BKAV, Trung tâm an ninh mạng Viettel, VNCS, CMC, Security Box, VSEC… hoặc các tập đoàn đa quốc gia như Avira, Kaspersky Antivirus…
- Các công ty sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng.
- Các công ty trong hoặc ngoài lĩnh vực Công nghệ như giáo dục, y tế, thương mại điện tử, ngân hàng, giải trí… ở bộ phận quản trị.
- Giảng viên tại các trường ĐH, CĐ, học viện, trung tâm đào tạo CNTT.
Cộng đồng IT và nơi tìm việc làm Công nghệ thông tin
Hiện nay có rất nhiều trang web, diễn đàn về Công nghệ thông tin nổi tiếng ở Việt Nam như forum.bkav.com.vn, tinhte.vn, genk.vn, sinhvienit.net, techz.vn, thongtincongnghe.com, securitybox.vn, techtalk.vn, techmaster.vn… hoặc fanpage, group facebook như Cộng đồng IT, Cộng đồng tester Việt Nam…
Nếu khá tiếng Anh, bạn có thể tham khảo các tạp chí, trang web nước ngoài như theverge.com, tech2.com, techcrunch.com, digitaltrends.com, pcworld.com, mashable.com, engadget.com, cnet.com, wired.com, thenextweb.com, hackforums.net, securityforum.org…
Ngoài ra đối với các Front-end developer thì Pinterest là một địa chỉ rất đáng để tham khảo và học hỏi về thẩm mỹ, sắp xếp bố cục cũng như giao diện.
Để tìm việc, bạn có thể vào website, fanpage của các công ty mình thích để cập nhật tin tuyển dụng, hoặc vào các trang đăng tin chuyên nghiệp để tìm kiếm công việc ngành IT.
Thực tập sinh Công nghệ thông tin
Nếu bạn dạo qua một chút về các trang tuyển dụng việc làm, bạn sẽ thấy một số điều kiện chung mà các công ty, doanh nghiệp đưa ra để tuyển thực tập sinh Công nghệ thông tin là đối tượng sinh viên năm 3 trở lên, có học lực khá/giỏi, được đào tạo chuyên ngành về Công nghệ thông tin/Điện tử viễn thông/Toán tin ứng dụng,…
Họ phải là những người hiểu biết rộng về hệ thống phần mềm, đã từng nghiên cứu phát triển ứng dụng trên di động, ứng dụng web, web services.
Thực tập sinh cũng cần có khả năng giao tiếp, đam mê nghiên cứu, tư duy mạch lạc, sáng tạo, có kỷ luật & chuyên nghiệp trong công việc, sử dụng thành thạo MS Office, PowerPoint, MS Project và tiếng Anh ở mức khá.
Khi làm việc, thực tập sinh sẽ tham gia phát triển các dự án website, các thiết bị di động, phần mềm cho các khách hàng bằng các ngôn ngữ lập trình; thực hiện các đề tài thực tế theo định hướng phát triển của công ty và xu hướng của thị trường. Nếu đã có các đề tài phù hợp, khả năng ứng dụng thực tế cao, thực tập sinh sẽ có cơ hội được công ty, doanh nghiệp mời hợp tác để phát triển.
Mức lương thực tập sinh nhận được sẽ tỉ lệ thuận với việc họ đáp ứng được bao nhiêu phần trong số những yêu cầu cơ bản trên. Tất cả đều tương xứng với khả năng và kinh nghiệm.
Là thực tập sinh Công nghệ thông tin, bạn không nên đòi hỏi mức lương cao vì thực tế, mức lương của ngành này được đánh giá là đã rất đáng kể so với khá nhiều ngành khác ở những bước đầu. Với một lập trình viên mới ra trường, bạn có thể kiếm được thu nhập 3 triệu/tháng. Sau 2-3 năm kinh nghiệm, bạn dần với tới mức lương 5-6 triệu. Đặc biệt nếu được làm việc cho những công ty công nghệ nước ngoài, mức lương của bạn sẽ được tính bằng đô la Mỹ và có thể nói là rất hấp dẫn.
Tương lai nghề nghiệp của ngành Công nghệ thông tin
Áp lực công việc của ngành Công nghệ thông tin là rất cao vì bạn không thể đơn thuần chỉ áp dụng những gì học được trong nhà trường. Tuổi nghề của lĩnh vực Công nghệ thông tin cũng khá ngắn, bạn có thể làm việc rất “trâu bò” đến khoảng 35 tuổi, nhưng sau đó nếu bạn vẫn tiếp tục chỉ làm lập trình viên thì khá mệt mỏi.
Tuy nhiên vẫn có nhiều con đường cho bạn lựa chọn, hoặc bạn có thể vươn lên vị trí quản lý, hoặc bạn phải chọn một lĩnh vực công nghệ chuyên biệt nào đó để trở thành chuyên gia, như chuyên gia hệ thống, chuyên gia bảo mật, chuyên gia giải pháp, hoặc nếu bạn có tố chất tốt về giao tiếp, bạn có thể trở thành một chuyên gia bán hàng trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia công tác tại các phòng chức năng trong các cơ quan, công ty, trung tâm phụ trách CNTT; tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH, CĐ, TCCN có đào tạo ngành hoặc chuyên ngành về CNTT.
- Tìm việc làm Công nghệ thông tin, sinh viên phải nắm chắc 5 điều chính
- Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu: Xu thế của giới công nghệ
- Tự học IT vẫn kiếm việc ngon, thuộc 7 bí kíp chinh phục nhà tuyển dụng
Hi vọng những thông tin trên đây đã phần nào giải đáp được thắc mắc về công cuộc tìm việc làm Công nghệ thông tin cho các bạn sinh viên cũng như câu hỏi ngành công nghệ thông tin có dễ xin việc không. Chọn nghề đối với bản thân mỗi người là một việc hết sức quan trọng, vì vậy bất cứ thông tin nào liên quan đến công việc yêu thích, chúng ta cũng nên tham khảo để nắm rõ thông tin ngành nghề và đưa ra quyết định chính xác nhất. Bạn hãy tĩnh lại một chút, hãy suy xét kỹ, cân nhắc về đam mê, về năng lực bản thân và điều kiện thực tế của mình để từ đó chọn đúng đường.
>> Tham khảo những việc làm phù hợp tại đây
Bài viết liên quan